Thứ trưởng Bùi Thế Duy. Ảnh: Tùng Đinh
Luật Khoa học và Công nghệ 2013 sẽ được sửa, đổi tên thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy kết quả nghiên cứu ra thị trường.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ thông tin khi nói về Luật Khoa học và Công nghệ 2013 (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 5/2025.
Theo Thứ trưởng, một trong những “điểm nghẽn” khiến kết quả nghiên cứu khó ra thực tiễn liên quan đến hành lang pháp lý. Trong đó về luật khoa học công nghệ cùng nhiều luật liên quan chưa chấp nhận việc các nhà khoa học nghiên cứu mà không cho ra kết quả. Điều này dẫn đến khi đăng ký nhiệm vụ, các nhà khoa học không dám đăng ký nội dung mới, chủ yếu làm nội dung mức an toàn cho nên không có tính mới và không đưa được vào cuộc sống. Bên cạnh đó, kết quả khoa học công nghệ cũng cần thời gian dài, phải từ 10-20 năm, mới đưa được vào cuộc sống, do đó nếu chỉ đánh giá kết quả thương mại hóa trong 1-5 năm, chưa thực sự đầy đủ.
Nguyên nhân thứ hai do sự tách biệt giữa khối nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh. Ông Duy cho hay, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã nêu về vấn đề đặt hàng nghiên cứu, song việc đặt hàng phải từ doanh nghiệp hay gắn kết với trường đại học và doanh nghiệp phải thông qua hoạt động trao đổi cán bộ. Trong khi hiện nay hành lang trao đổi cán bộ chưa thuận lợi, chưa là hoạt động bắt buộc đối với giảng viên, nhà nghiên cứu. “Luật sửa đổi dự kiến đề xuất đưa ra hành lang để các nhà khoa học được sang làm việc với doanh nghiệp vẫn được coi là hoạt động nghiên cứu, giảng dạy”, ông nói.
Việc xác định rõ các khâu trong hoạt động nghiên cứu phát triển và hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng là vấn đề lưu tâm trong sửa đổi luật. Hiện việc đặt vấn đề các nghiên cứu trường đại học phải được chuyển giao cho doanh nghiệp, chưa thực sự phù hợp thực tiễn. Do đó luật sửa đổi cần phải hướng thúc đẩy sản xuất thử nghiệm trong doanh nghiệp, phân tích thị trường để đưa ra sản phẩm cuối cùng. Ông lưu ý việc biến kết quả nghiên cứu thành hàng hóa dưới dạng tài sản trí tuệ để chuyển giao. “Luật sửa đổi sẽ tạo hàng lang tổ chức trung gian bảo hộ tài sản trí tuệ và hình thành thị trường khoa học công nghệ mới tạo thuận lợi để chuyển giao kết quả”.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng gợi ý các chương trình quốc gia cần có cơ chế giao kết quả cho tổ chức chủ trì thuận lợi nhất, cần coi đầu tư khoa học công nghệ là đầu tư lâu dài, tự động giao quyền cho cơ quan chủ trì để tiếp tục sử dụng thương mại hóa, đầu tư thêm để tạo ra sản phẩm mới.
Trong các đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh vào các nhóm chính sách vấn đề mới. Theo đó các trường đại học dần trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh tương đương các viện nghiên cứu. Theo đó muốn phát triển được hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học cần có nội dung nghiên cứu, hoạt động, kinh phí đầu tư cho trường đại học. Ví dụ cần có chương trình đào tạo nghiên cứu sinh bằng nguồn kinh phí từ khoa học công nghệ.
Ông cho hay nhiều quốc gia trên thế giới coi nghiên cứu sinh là lực lượng nghiên cứu chủ yếu bởi ở độ tuổi trẻ trung, sáng tạo và hoạt động say mê trong công việc. Do đó cần phải xây dựng chương trình đào tạo, coi họ là nhà nghiên cứu, người lao động nghiên cứu chứ không chỉ là người đi học. “Cần có chương trình hỗ trợ sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học, điều này giúp họ tiếp tục tự chủ triển khai hoạt động nghiên cứu”, ông Duy nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho biết mong muốn đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu trường đại học, viện nghiên cứu khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo kinh nghiệm của thế giới, giảng viên, nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành doanh nghiệp do Viện nghiên cứu, trường đại học thành lập dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động đổi mới sáng tạo về gần trường đại học, cũng như khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học, vừa giúp mang lại nguồn thu vừa thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ vọng luật sửa đổi sẽ tạo ra một hành lang pháp lý mới, tạo điều kiện phát triển và khuyến khích đổi mới sáng tạo. “Đây là lần đầu tiên chúng ta chính thức hóa khái niệm đổi mới sáng tạo, sẽ giúp xây dựng một văn hóa mới cho người Việt Nam”, ông nói. Hiện Đại học Quốc gia Hà Nội chú trọng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo sinh viên. Theo GS Đức, cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, bắt đầu ngay từ bổ sung môn học về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thành môn học chung để học trò có kỹ năng, năng lực đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhìn nhận Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã lạc hậu và không đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Các luật sửa đổi và bổ sung gần đây, như về đất đai, quy hoạch, giao dịch điện tử, và căn cước công dân, đã được ban hành nhằm dự báo và thích ứng với tình hình mới. Do đó, “nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ 2013 sẽ không còn phù hợp với thông lệ quốc tế và các pháp luật hiện hành”, ông nói.
Đồng bộ các quy định của Luật với các chính sách tài chính
Hiện cơ chế đầu tư tài chính cho khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập. Thứ trưởng Duy cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu và đánh giá toàn bộ hệ thống pháp luật, bao gồm rất nhiều luật liên quan. Thực tế cho thấy còn thiếu sự đồng bộ giữa pháp luật về khoa học công nghệ và pháp luật về tài chính.
Theo đó, việc đầu tiên cần giải quyết là làm thế nào để đồng bộ các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các chính sách tài chính hiện có, nhằm tận dụng tối đa tất cả các chính sách này.
Thứ hai là, khi đã có đầu tư và nguồn lực, cần phải sử dụng một cách hiệu quả, thông thoáng và nhanh chóng. “Để đạt được điều này, ngành khoa học và công nghệ cần phải sửa đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề tài, dự án, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính…”, ông Duy nói. Mục tiêu là để công khai, minh bạch, từ đó chọn lựa những đề tài và nhiệm vụ tốt nhất một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Bên cạnh đó cần phải điều chỉnh các quy định về mua sắm và đấu thầu khi sử dụng kinh phí đầu tư cho công nghệ, bao gồm cả kinh phí đầu tư công của Nhà nước và kinh phí của doanh nghiệp. Điều này sẽ khuyến khích các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. “Cần thiết phải nghiên cứu các vấn đề mới, công nghệ lõi, và thậm chí mua các kết quả nghiên cứu và sáng chế từ nước ngoài, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp để họ có thể sử dụng và phát triển”, Thứ trưởng Duy nói.
Ở góc độ “tìm tiếng nói chung giữa các nhà quản lý, nhà đầu tư tài chính và nhà khoa học”, Thứ trưởng Duy cho rằng cần chia sẻ quan điểm kinh phí nhà nước đầu tư cho kết quả khoa học và công nghệ nên được xem là nguồn đầu tư lâu dài. Thay vì yêu cầu thanh toán ngay, nên giao kinh phí cho các đơn vị chủ trì và đơn vị sản xuất để họ có thể đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Khi các đơn vị này tạo ra việc làm và đóng thuế cho Nhà nước, chúng ta sẽ thu hồi nguồn vốn qua thuế và tái đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan khoa học và công nghệ và cơ quan tài chính để hiểu nhau và phối hợp hiệu quả.
Theo đó Bộ sẽ đề xuất trong Luật các quy định về việc xác định cái gì là tài sản và cái gì không phải là tài sản trong kết quả khoa học và công nghệ. Ví dụ, những kết quả đã được công bố rộng rãi và trở thành tri thức của nhân loại không thể coi là “tài sản riêng”. “Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ quan điểm này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật Khoa học và Công nghệ” cũng như các luật khác, để chúng trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, ông Duy nhấn mạnh.
Theo VnExpress