Dây chuyền của một đơn vị được công bố trong danh sách nhà tái chế của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Bộ Tài nguyên và môi trường công bố thêm 28 nhà tái chế có đủ năng lực để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Các đơn vị được công bố đợt hai là những doanh nghiệp đã được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Bộ Tài Nguyên và môi trường đã công bố đợt một với 24 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì và hai đơn vị được ủy quyền tổ chức tái chế.
Theo Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, việc ban hành danh sách các nhà tái chế nhằm cung cấp thông tin cho các nhà sản xuất, nhập khẩu biết và tham khảo trong việc thực thi công cụ chính sách EPR.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn phương án thuê các nhà tái chế để thực thi EPR, bên cạnh các phương án khác bao gồm tự tổ chức thu gom, tái chế, ủy quyền cho tổ chức thực thi EPR và đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hợp tác với các đơn vị tái chế không nằm trong danh sách được công bố.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và môi trường khuyến cáo, khi lựa chọn, ký kết với nhà tái chế sản phẩm, bao bì, doanh nghiệp cần xem xét thực tế, đánh giá năng lực về công nghệ, công suất để đảm bảo đáp ứng đúng tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Bên cạnh đó, nhà tái chế đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, nếu muốn được công bố trong danh sách đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì, có thể gửi thông tin về Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường theo mẫu đơn tại Thông báo số 185/TB-BTNMT.
Các đơn vị tái chế đáp ứng yêu cầu sẽ nhận được hỗ trợ từ nguồn tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường.
Công cụ chính sách EPR được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, là công cụ được thiết kế dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển ngành công nghiệp tái chế.
EPR bao gồm trách nhiệm xử lý chất thải khó thu gom, xử lý, tái chế, gây ô nhiễm môi trường và trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc đối với một số loại sản phẩm, bao bì. 2024 là năm đầu tiên thực thi trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc.
Để phát triển bền vững thì thực hiện EPR là một trong những yêu cầu đối với một doanh nghiệp sản xuất.
Theo Nhanvan.org